Tết Đoan Ngọ là gì? Ngày 5 tháng 5 âm lịch là tết gì?

Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ lớn trong truyền thống của người dân Việt Nam ta. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn chưa biết được ý nghĩa và nguồn gốc cho sự xuất hiện của ngày tết này. Nếu bạn chưa hiểu hết về Tết Đoan Ngọ là gì thì hãy theo dõi trong bài viết dưới đây để được giải đáp tất cả các thắc mắc nhé.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 là ngày gì?

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ… là ngày lễ được người dân ta tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 theo âm lịch hàng năm. Đây là khoảng thời gian mới kết thúc vụ lúa Chiêm và khởi đầu cho mùa vụ mới. Dân gian cho rằng, ngày tết này được tổ chức với mục đích tạ ơn trời đất và ăn mừng cho vụ mùa thuận lợi.

Tết Đoan Ngọ là ngày lễ có ý nghĩa lớn trong tiềm thức người nông dân

Theo truyền thuyết, vào năm đầu tiên cho sự bắt nguồn của Tết Đoan Ngọ thì nhân dân được mùa nhưng sâu bọ lại ăn hết tất cả các thực phẩm đã thu hoạch được. Nông dân đang đau đầu vì không giải quyết được vấn đề thì bỗng từ đâu có một ông già xuất hiện và tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng đặt bàn cúng bao gồm bánh tro, trái cây và tập thể dục trước nhà.

Kết quả sau đó thật bất ngờ, lũ sâu bọ lăn ra chết rũ rượi hết. Ông lão còn dặn rằng, hàng năm đến ngày này sâu bọ trở nên rất hung hăng, nhân dân cứ việc làm theo lời lão chỉ là trị được chúng. Những người nông dân hết sức vui mừng đang định quay sang cảm ơn ông lão thì ông đã biến mất.

Kể từ đó, ngày Tết Đoan Ngọ được ra đời để ghi nhớ công ơn của ông lão và để nhân dân ghi nhớ để trị sâu bọ. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục tổ chức ngày Tết Đoan Ngọ với nhiều hoạt động như làm bánh, soạn lễ cúng… Theo ông cha ta quan niệm, sáng mùng 5 tháng 5 phải dậy trước lúc mặt trời mọc, ăn một chút trái cây chua hoặc rượu cái (cơm rượu) rồi mới được ăn sáng để nhằm tiêu diệt hết sâu bọ trong cơ thể.

Cúng ngày mùng 5 tháng 5 gồm những gì?

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân thường làm 2 lễ cúng, 1 lễ cúng gia tiên và 1 lễ cúng ngoài trời hay còn gọi là lễ cầu xin Ngọc Hoàng Đại Đế và Thần Tiên. Lễ cúng gia tiên bao gồm:

  • Một mâm cơm chay.
  • Mâm hoa quả ngũ sắc tượng trưng cho đắng, cay, mặn, ngọt, chua.
  • 9 bông hoa đồng tiền đỏ.
  • 3 chén rượu, mỗi chén pha thêm 1 chút hùng hoàng.
  • 3 chén trà.
  • Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá, tiền âm phủ.

Lễ cúng ngoài trời được thực hiện để dâng lên Ngọc Hoàng Đại Đế và các vị Thần Tiên. Mâm cỗ cúng ngoài trời được đặt quay về hướng Nam. Các thành phần trong mâm cỗ bao gồm:

  • Bàn lễ trải 1 tấm vải đỏ rộng.
  • Mâm cỗ chay.
  • Mâm hoa quả ngũ sắc tượng trưng cho đắng, cay, chua, mặn, ngọt.
  • 9 bông hoa đồng tiền đỏ.
  • 5 chén rượu.
  • 5 chén trà.
  • 1 chiếc lọng đỏ có tiền vàng.

Hình ảnh minh họa mâm lễ cúng trong ngày Tết Đoan Ngọ

Các thành phần trong lễ cúng ngày mùng 5 tháng 5 có thể thay đổi tùy theo từng vùng miền chứ không cứng nhắc. Có nơi sẽ thêm vào lễ cúng một trong số các loại bánh như bánh trôi nước, bánh tét, bánh tro, cơm rượu…

Vậy bạn có biết vào dịp Tết Đoan Ngọ ăn gì không nào? Tùy theo phong tục của từng miền của người Việt mà chúng ta có sự biến hóa khác nhau về ẩm thực trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thông thường, ta hay có món rượu cái làm từ nếp cẩm hoặc nếp cái, bánh tro, thịt vịt, bánh trôi và hoa quả trong mâm cơm trưa. Đặc biệt là ở xứ Huế, người dân nơi đây thường xuyên ăn chè kê vào Tết Đoan Ngọ.


Như vậy, qua bài viết này các bạn đã có thể hiểu rõ hơn về Tết Đoan Ngọ là gì, nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ. Chúc các bạn sửa soạn được một mâm lễ cúng hoàn chỉnh nhất trong ngày tết mùng 5 tháng 5 nhé. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này.